Khám phá cù lao tứ linh “Lân – Long – Qui – Phụng”
CÙ LAO LONG – LÂN – QUY – PHỤNG
Dọc theo quốc lộ 1A đoạn qua cầu Rạch Miễu, vùng đất Tiền Giang – Bến Tre đã quy tụ hết sự trù phú, màu mỡ mà thiên nhiên ban tặng. Nơi đây nổi tiếng là vùng đất tứ linh với cù lao Long – Lân – Quy – Phụng xanh tươi quanh năm nằm quây quần xung quanh trên sông Tiền. Trong đó, cù lao Quy – Phụng (cù lao Đạo Dừa) thuộc Bến Tre, cù lao Long – Lân (cù lao Thới Sơn) thuộc Tiền Giang. Tuy nhiên, hấp dẫn du khách chủ yếu là ở cù lao Quy, Phụng và Thới Sơn. Chính vì sông nước miền Tây luôn có sức quyến rũ đặc biệt nên những ai yêu sông nước cũng đều chọn du lịch miệt vườn cho chuyến hành trình về miền Tây. Đến với đất tứ linh, du khách sẽ thích thú với những hoạt động, những món ăn hay lênh đênh du ngoạn trên dòng sông thơ mộng đắm chìm vào màu xanh thiên nhiên.
Cù lao Thới Sơn sẽ là điểm đến đầu tiên trong tứ linh, xuôi theo con rạch nhỏ, những cô gái trong chiếc áo bà ba mộc mạc chèo đò đưa du khách đến với Thới Sơn. Hai bên rạch những rặng dừa nước xanh rì cứ nối tiếp nhau, du khách sẽ thấy hoa dừa trắng muốt e ấp trong tàu lá xanh như đón chào.
Du khách sẽ thật hào hứng khi được tản bộ trong những vườn cây trái xum xuê, được nhấm nháp hương vị tươi ngọt hái tại vườn, được thưởng thức trà mật ong tuy dân dã nhưng lại rất độc đáo – cái vị ngọt lịm của mật ong pha chút chua chua của quất (hạnh) du khách sẽ không cảm thấy còn vị đắng của trà. Du khách còn được dịp tham quan cơ sở sản xuất kẹo dừa, bánh tráng, mùi thơm của dừa hòa quyện với sữa làm kích thích vị giác của du khách. Trong những ngôi nhà lá đơn sơ du khách sẽ du dương theo những câu hát dân ca ngọt ngào, lắng nghe đờn ca tài tử và thưởng thức ẩm thực miệt vườn: cá tai tượng chiên xù, cá trê nướng, cá lóc hấp bầu, lẫu cá kèo,…
Chia tay Thới Sơn du khách đến với cù lao Phụng, được xem là ốc đảo xanh của Bến Tre. Sỡ dĩ còn được gọi là cù lao Đạo Dừa vì khi ông Nguyễn Thành Nam đến đây xây dựng chùa Nam Quốc Phật đã sáng lập ra giáo phái Đạo Dừa. Đạo Dừa chủ trương mang lại hòa bình, sống bằng hoa trái, chính vì vậy thời gian ông ở đây tu hành đều sống bằng nước dừa và trái cây.
Tham quan cù lao Phụng, du khách được tìm hiểu về quá trình xây dựng chùa, cuộc đời và nguồn gốc pháiĐạo Dừa, tham quan khu di tích Đạo Dừa vẫn còn được bảo tồn lối kiến trúc cổ đến ngày nay với khu sân có 9 con rồng được chạm trổ tinh xảo, tháp Hòa Bình (cửu trùng đài) nơi ông Đạo Dừa ngồi giảng kinh pháp và truyền bá đạo giáo. Quang cảnh nơi đây thật nên thơ, hoa cỏ nhiều màu sắc rực rỡ, đứng trên đài cao ngắm xa xa dòng sông lửng lờ trôi, gió sông thổi vào nhè nhẹ dễ chịu vô cùng. Ngoài ra, du khách cũng có dịp tham quan làng nghề thủ công mỹ nghệ sản xuất những đồ gia dụng bằng vật liệu từ dừa, câu cá thư giãn, đi cầu khỉ, tham quan phòng truyền thống,…
Đến với cù lao Quy và Long, cả 2 đều là vùng đất mới nên còn rất hoang sơ, chủ yếu là vườn cây trái. Tuy hoang sơ nhưng lại khá thú vị, cù lao Quy mang lại cho du khách cảm giác sảng khoái, hào hứng khi được trở thành người nông dân mặc áo bà ba đen đi bắt cá. Trong một cái mương nhỏ, được trang bị chụp, du khách lội chân đất xuống mương và lần theo tiếng động, nắm bắt chính xác dùng chụp bắt dính cá. Nụ cười giòn giã khi bắt được cá làm du khách càng phấn khích hơn, thành quả cho buổi “lao động” mệt mỏi là những món ăn được người dân nơi đây chế biến tại chỗ thật là ngon.
Còn cù lao Long lại đưa du khách vào “khu rừng nguyên sinh” bởi cái màu xanh miên man bất tận, lúc trước cù lao được mệnh danh là “vương quốc đánh cá” nhưng nay đã dần chuyển sang trồng trọt các loại cây ăn quả, tham quan bến tàu đánh cá, nghe người dân kể về người nữ thuyền trưởng đầu tiên của Việt Nam – bà Nguyễn Thị Hồng. Du khách sẽ chẳng muốn rời bước khi những cành hoa trái sai trĩu quả quấn lấy người, đặc sản được trồng nơi đây là sầu riêng, sơ ri, xoài, ổi không hạt, mít,… mang hương thơm ngào ngạt cuốn hút lòng người. Bên cạnh đó, du khách đến miếu thờ giao long tìm hiểu truyền thuyết hình thành nên tên gọi cù lao “Long”.
Bức tranh “tứ linh” đầy sắc thái êm ả tạo cảm giác thật bình lặng cho du khách khi đến với miệt vườn sông nước. Bỏ lại sau lưng ồn ào của đô thị, trở về vùng quê thanh bình, có cây xanh, gió mát, dòng sông thơ mộng, thấp thoáng bóng con đò lướt nhẹ trên sông. Chỉ có đến với miền Tây, du khách mới tận hưởng được hương vị cuộc sống an nhàn.